CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA TRUNG TÂM BẢO TRỢ XÃ HỘI:

 1. Tiếp nhận, quản lý chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy chữ, dạy nghề và phục hồi chức năng cho các đối tượng đặc biệt khó khăn không tự lo được cuộc sống theo quy định tại Điều 5 Nghị định 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội; Điều 5 Nghị định 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội; Khoản 1, Điều 45 Luật Người khuyết tật; Điều 18 Nghị định 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật và Khoản 2, Điều 18, Luật Người cao tuổi cụ thể gồm:

 – Trẻ em mồ côi cha và mẹ, trẻ em bị bỏ rơi, mất nguồn nuôi dưỡng; trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại là mẹ hoặc cha mất tích theo quy định tại Điều 78 của Bộ Luật dân sự hoặc không đủ năng lực, khả năng để nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật; trẻ em có cha và mẹ (hoặc cha hoặc mẹ) đang trong thời gian chấp hành hình phạt tù tại trại giam, không còn người nuôi dưỡng; trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ gia đình nghèo.

 – Người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi nhưng đang đi học văn hóa, học nghề có hoàn cảnh như trẻ em nêu trên.

 – Người cao tuổi thuộc hộ gia đình nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, có nguyện vọng vào cơ sở bảo trợ xã hội.

 – Người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật không nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống, được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội.

 – Người nhiễm HIV/AIDS không còn khả năng lao động thuộc hộ gia đình nghèo; người tâm thần nặng, lang thang, có hành vi nguy hiểm cho gia đình và cộng đồng.

 Các đối tượng xã hội cần sự bảo vệ khẩn cấp (Khoản 2, Điều 5, Nghị định 68/2008/NĐ-CP của Chính phủ; nạn nhân bạo lực gia đình; nạn nhân bị xâm hại tình dục; nạn nhân bị buôn bán, bị cưỡng bức lao động).

 – Các đối tượng xã hội khác do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định (Khoản 4, Điều 5, Nghị định 68/2008/NĐ-CP của Chính phủ).

 2. Tổ chức hoạt động phục hồi chức năng, lao động sản xuất; trợ giúp các đối tượng trong các hoạt động tự quản, văn hóa, thể thao và các hoạt động khác phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe của từng nhóm đối tượng.

 3. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, tổ chức để dạy văn hóa, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp nhằm giúp đối tượng phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và nhân cách.

 4. Chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương đưa đối tượng đủ điều kiện hoặc tự nguyện xin ra khỏi cơ sở bảo trợ xã hội trở về với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng; hỗ trợ, tạo điều kiện cho đối tượng ổn định cuộc sống.

 5. Cung cấp dịch vụ về công tác xã hội đối với cá nhân, gia đình có vấn đề xã hội ở cộng đồng nơi có trụ sở (nếu có đủ điều kiện).

 6. Tiếp nhận, nuôi dưỡng đối tượng là người cao tuổi, người khuyết tật được gia đình và bản thân có nguyện vọng nuôi dưỡng, chăm sóc, phục hồi chức năng tại Trung tâm.

 7. Thực hiện một số nhiệm vụ khác theo sự chỉ đạo của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

image advertisement
image advertisement
image advertisement